Chào mừng đến với Website Trường Phổ thông Trung học Võ Thị Sáu - Côn Đảo

Tình yêu tuổi học trò

Tuổi giao mùa, tuổi của những cô cậu học mười lăm, mười sáu mơ mộng tuổi của những chàng trai cô gái mười bảy đem chút suy tư vào đời. Nói đến tuổi này, là nói đến sự lãng mạn, nhiều cảm xúc nhưng cũng đầy nông nổi, khờ dại. Đây là lứa tuổi của nhiều biến đổi cả về thể chất lẫn tâm sinh lí, do đó một trong những vấn đề quan trọng và đáng được lưu tâm, đó chính là vấn đề về  tình yêu tuổi học trò – vấn đề tốn không ít sức lực của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Thế nên có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về tình yêu của một thời trang vở ép bài thơ - tình yêu tuổi học trò!
       Nói đến tình yêu học trò là nói đến những rung động đầu đời, những xao xuyến bâng khuâng nói đến những mối tình vụng dại, âm thầm, nói đến những ánh mắt lạ, những người dưng, những đôi má hồng, những nụ cười e ấp… mà nhà thơ Đỗ Trung  Quân một thời đã nói:
Mối tình đầu của tôi có gì?                   
Chỉ một cơn mưa bay bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê         
Là bài thơ còn hoài trong cặp               
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về     
(Chút tình đầu)
Cái thời đã trở thành cổ tích với những vần thơ lãng mạn:
Tuổi 15 em lớn từng ngày                  
Một buổi sáng em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ           
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ     
(Hải Như)
       Còn nữa không nơi cổng trường bao cô cậu học trò trờ thành thi sĩ, ngẩn ngơ nhớ dáng áo trắng ngang qua. Có kẻ mộng mơ không cùng chung một lớp, chỉ dám khắc tên người trên chiếc lá bàng xanh. Có ai dũng cảm giấu những cảm xúc riêng mình:
Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi
Cả những giờ lên lớp học, trường thi
Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc.
       Thật đẹp biết bao! Trong sáng và giản dị tinh khôi như màu áo của học trò. Ấy nhưng hiện nay tình yêu ấy dường như không còn giữ được những hình ảnh trong sáng, ngây thơ như những vần thơ của các thi sĩ. Hiện nay sự suất hiện từ phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, phim ảnh nước ngoài, và các văn hóa phẩm đồi trụy... đã làm cho các bạn học sinh có những ảnh hưởng và suy nghĩ sai lệch về vấn đề tình yêu tuổi học trò. Một cái nắm tay, vài ánh nhìn để ý trong giờ học, thư tay chuyền bàn đã trở nên xưa như trái đất. Các bạn học sinh bây giờ yêu là phải khoác vai, ôm eo, hôn nhau trong lớp học, đăng những dòng cảm nghĩ trạng thái “dỗi hờn” “Hạnh phúc” cùng “Người Ấy”, xưng hô “ck” “vk” trên các trang mạng xã hội để chứng tỏ “Mình đã lớn” với các bạn cùng lứa. Cảnh tượng phản cảm đó xảy ra không hiếm. Chỉ khố những người có ý thức ngứa mắt phải nhìn,  chỉ thương các thầy cô khó chịu không muốn nói, các bậc phụ huynh lo lắng đứng ngồi không yên. Không những thế, đã yêu đương nên nhiều bạn  lại muốn lãng mạng như phim Hàn Quốc, hết khóc hết mếu lại hoà thuận, khắng khít.  Kết quả là cả chàng và nàng đều học hành sa sút. Còn có những bạn nông nổi, bồng bột bỏ nhà ra đi vì lí do chẳng giống ai: “Con đi vì bạn ấy là lí tưởng sống của đời con. Bố mẹ không hiểu con!”. Phải chăng Bố mẹ ko hiểu bạn ấy hay chính bạn ấy chưa hiểu được hết những tác hại của tình yêu “lí tưởng” mà bạn ấy đang tự ngộ nhận. Hậu quả của tình yêu tuổi học trò đã khiến nhiều người phải suy nghĩ và cũng là một vấn đề cần bàn bạc: đã làm không ít bạn học sinh ở tuổi này đi quá giới hạn của tình yêu tuổi học trò trong sáng, không ít bạn gái đã  trở thành nạn nhân của nạn nạo phá thai, không ít bạn trẻ đã phải làm “Bố” làm “Mẹ” khi còn đang ngồi trên ghế Nhà Trường, từ bỏ ước mơ và tương lai đang còn dang dở ở phía trước. Bởi vậy đây là vấn đề rất đáng báo động, phản ánh thực trạng nhận thức sai lệch về tình yêu trong giới học sinh. Tình yêu chỉ thực sự cần khi nó đem đến cho nhau niềm tin, động lực, giúp nhau cùng hướng tới tương lai. Sự thi vị của tình yêu hoa phượng dường như càng ngày càng mờ đi, thay vào đó là những câu chuyện đau lòng không đáng có. Thật buồn khi nghe những vụ uống thuốc tự tử, nhảy sông, nạo phá thai... diễn ra ngày một nhiều.
      Hiện nay có không ít những quan niệm khác nhau về tình yêu học đường. Có lẽ hơn ai hết, chính bản thân những đôi nam – nữ đang yêu cũng nhận thức và hiểu rõ được yêu khi đang ngồi trên ghế nhà trường là không nên. Nhưng họ cũng có thể có rất nhiều cách để biện hộ cho sự vượt quá giới hạn của mình trong tình cảm. Theo họ, tình yêu có thể là một động lực giúp họ phấn đấu trong học tập. Bởi khi yêu, người ta cần phải chứng tỏ khả năng của mình trong mắt người kia và vượt trội trong học tập cũng là một trong những cách tốt nhất để chứng tỏ mình. Cũng có thể, với những người trong cuộc, tình yêu là một sự phát triển tất yếu và cần thiết cho sự phát triển tinh thần. Không có được tình yêu trong tuổi học trò là đánh mất cung bậc tình cảm trong tâm hồn. Thậm chí, còn có người cho rằng: Tình yêu tuổi học trò là phương thức tốt nhất để chứng tỏ mình trước người khác, nhất là về hình thức bên ngoài.
       Với quan niệm ấy những người cùng trang lứa có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng với các bậc phụ huynh, thầy cô và xã hội thì hoàn toàn sai lầm. Với những người đi trước, những người đứng vững trong xã hội họ hiểu giá trị tình yêu và họ cũng biết rõ một tình yêu đích thực gần như không thể có trong học đường. Những trái tim khối óc kia còn quá non nớt, những tâm hồn kia còn quá ngây thơ trước tình yêu. Dùng tình yêu để làm động lực vươn lên trong tình yêu ư ? Có thể có nhưng hầu hết những tình cảm vượt quá giới hạn của tình bạn xuất hiện trong tuổi học trò đều chỉ mang lại sự phân tán, mất tập trung trong những công việc khác nhất là việc học tập. Như vậy thì làm sao nó có thể trở thành động lực để vươn lên trong học tập như lý lẽ của những người trong cuộc. Những rung động mà các bạn trẻ gọi là tình yêu thì theo họ đó chỉ là một mắt xích, nhưng bỏ đi mắt xích tình yêu tuổi học trò có thể sẽ gặp chuỗi mắt xích tình yêu trong con người lành mạnh hơn, trong sáng hơn. Còn nếu muốn dùng tình yêu để chứng tỏ mình trước mọi người thì quả là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi tình yêu đơn thuần chỉ là một thứ cảm xúc, tình cảm trong tâm hồn chứ không thể nào là một phương tiện cho bất cứ mục đích gì. Hơn nữa giá trị đích thực của người học trò là ở tâm hồn và năng lực ( học tập) chứ không phải ở hình thức bề ngoài như nhiều bạn vẫn suy nghĩ.
       Thi đàn Việt Nam đã có những vẫn thơ chan chứa:
            “ Làm sao sống được mà không yêu
            Không nhớ không thương một kẻ nào”. 
       Có lẽ Xuân Diệu cũng có cái lý riêng của một nhà thơ khi viết nên những câu thơ trên, nhưng thật đáng tiếc khi có nhiều bạn học sinh bất chấp lời khuyên răn của bố mẹ, thầy cô, bất chấp búa rìu của dư luận xã hội đã vận dụng câu nói ấy một cách vội vàng thiếu suy nghĩ. Cuộc sống sẽ thật nhàm chán nếu không có tình yêu nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu nhất thiết phải tồn tại trong học đường. Ở lứa tuổi học sinh, ta chưa đủ chín chắn để có thể hiểu được ý nghĩa của một tình yêu thực sự. Vì vậy đôi lúc đó chỉ là sự ngộ nhận tình cảm của mình. Những tình yêu như vậy trong học đường không mang lại bất kỳ một lợi ích nào ngoài việc ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của những người vướng phải. Làm sao có thể tập trung vào học bài khi trí não đang bị chi phối bởi tình cảm, khi toàn bộ sức sáng tạo đều tập trung vào việc làm mình đẹp hơn lên trong mắt người ấy và sẽ còn hàng loạt vấn đề khác nảy sinh khi một người học trò đi vào lĩnh vực tình cảm vượt quá sức mình. Lo lắng khi nhìn thấy người ấy bắt chuyện với một người khác giới, hoang mang khi người ta vô tình vạch ra một khuyết điểm nào đó của mình… Tất cả những vấn đề ấy sẽ mất không ít thời gian và năng lực suy nghĩ của các bạn.
       Không chỉ mang lại trở ngại lớn trong học tập, tình yêu học đường có thể mang đến những hậu quả đau lòng khác. Sự bồng bột, nông nổi của lứa tuổi thiếu niên trong tình yêu dễ khiến người ta có những hành động lệch lạc, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức xã hội. Có những sai lầm chỉ một lời xin lỗi là có thể xóa bỏ ngay nhưng cũng có những sai lầm chỉ trong một giây cũng đã khiến người ta trả giá bằng danh dự và đôi khi là cả nhân phẩm. Hậu quả của tình yêu trong học đường không chỉ gây hại cho bản thân những người đang yêu mà còn ảnh hưởng đến gia đình và nhiều người khác. Thử hỏi có bố mẹ nào lại yên lòng khi chứng kiến con cái mình ngày càng đi xuống và có thầy cô giáo nào muốn nhìn thấy học sinh mình phải gánh chịu những hậu quả của thời niên thiếu. Và bạn bè có ai có thể vui vẻ được khi nhìn bạn mình vì một phút bồng bột mà phải rời ghế nhà trường và bước vào thế giới bề bộn của xã hội bên ngoài.
       Tình yêu vốn dĩ rất nhạy cảm, tình yêu tuổi học trò lại càng nhạy cảm hơn. Tuổi mới lớn luôn thích những điều mới trong tình yêu. Nó có thể gây ra nhiều tác hại cho bản thân những người đang yêu và cho những người xung quanh. Chính vì vậy, nó thường diễn ra ngoài tầm kiểm soát của gia đình và nhà trường. Nhưng cũng không thể vì thế mà cấm đoán một cách thô bạo, áp dụng những biện pháp ràng buộc tự do để khống chế tình cảm hay la bới, chửi rủa, nhục mạ… Làm như vậy không những không thể mang lại hiệu quả mà còn gây nên những trạng thái tâm lý tiêu cực, càng cấm đoán tình yêu lại càng không thể chấm dứt hẳn. Trước một vấn đề hết sức tế nhị của tình cảm trong tâm hồn của tuổi mới lớn, ta cần phải cư xử hết sức khéo léo dựa trên những quan niệm đúng đắn và nghiêm túc về tình yêu.
       Tình yêu tuổi học trò không xấu, đó chỉ là những rung động đầu đời rất đỗi đáng yêu mà mỗi người ai cũng phải trải qua khi cắp sách đến trường. Có thể tình yêu này mang đến cho các bạn học sinh  những ngọt ngào hạnh phúc, nhưng hãy nhớ rằng, ở lứa tuổi này, tình yêu không phải là tất cả. Như một đồng xu hai mặt, vấn đề nào cũng tồn tại những cái lợi cũng như những cái hại, quan trọng là bạn biết rõ tay mình đang cầm mặt nào của đồng xu và tung nó như thế nào để không bị vướng phải những bất lợi do nó mang lại. Tình yêu tuổi học trò cũng như thế, đừng quá sức chăm chút vào nó, hãy để nó mãi tồn tại đúng như định nghĩa ban đầu mỗi khi được nhắc đến “hồn nhiên, trong sáng và đầy đáng yêu”.
 
 
                                                                                                Tác giả: Em Nguyễn Thị Thuỳ Duyên - Lớp trưởng 10A
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 97
  • Trong tuần: 661
  • Tất cả: 43172