Chào mừng đến với Website Trường Phổ thông Trung học Võ Thị Sáu - Côn Đảo

TỰ HỌC ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT

TỰ HỌC ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT

                                                Nguyễn Thị Tình

         

Thời cổ đại và thời trung đại, ở nước ta và một số nước khu vực Đông Á đều lấy cuốn Tam tự kinh làm sách dạy vỡ lòng cho con trẻ, những dòng đầu tiên của cuốn sách này viết:

                                      Ngọc bất trác,

                                      Bất thành khí.

                                      Nhân bất học,

                                      Bất tri lí.

( Ngọc không mài thì không sáng, người không có học thì không biết đạo lí ở đời).

(Cuốn Tam tự kinh- Ảnh: Nguyễn Thị Tình)

          Sự nghiệp Giáo dục là sự nghiệp vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề bởi phải gánh trọng trách xây dựng nhân tố then chốt trong phương thức sản xuất- nhân tố con người.

          Hiểu được tầm quan trọng đó, trong những năm gần đây, việc khuyến học ở nước ta được chú tâm hơn nữa. Tuần lễ học tập suốt đời là một hoạt động nhằm cổ vũ tinh thần tự học, học suốt đời của mọi cá nhân trên cả nước. Năm 2019, tuần lễ học tập suốt đời có chủ đề “Tự học để phát triển năng lực, phẩm chất”- một chủ đề gắn liền với mục tiêu Giáo dục, dạy học trong giai đoạn hiện nay.

          Năng lực là gì? Theo từ điển tiếng việt, năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc sãn có để thực hiện một hoạt động nào đó, hoặc: khả năng là năng lực huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định. Ví dụ: năng lực tính toán, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề...

          Thế nào là phẩm chất? Theo từ điển tiếng việt, phẩm chất là cái làm nên giá trị của người hay vật, là những yếu tố đạo đức, hành vi ứng xử, niềm tin, tình cảm, giá trị cuộc sống, ý thức pháp luật... của con người được hình thành sau một quá trình giáo dục. Ví dụ: phẩm chất ứng xử, phẩm chất ý chí, lòng yêu nước, yêu thương con người...

          Như vậy, hiểu một cách đại ý thì: Năng lực là tài, phẩm chất là đức.

          Vậy tại sao tự học lại giúp ta nâng cao năng lực và phẩm chất?

          Bởi vì, kho tri thức của nhân loại từ cổ chí kim là vô cùng bao la, rộng lớn, nếu chỉ học ở trường, chắc chắn sẽ là không đủ.

          Tự học giúp chúng ta tư duy sâu, nghiền ngẫm trong thời gian không hạn định, giúp chúng ta rèn được những năng lực mà ta còn chưa có, bỗi dưỡng những phẩm chất sẵn có và hình thành những phẩm chất mới, tốt đẹp.

          Khi tự học, chúng ta dễ dàng gắn lí thuyết và thực hành để nhận ra chân lí, rồi có điều kiện phân tích sự biểu hiện của các chân lí trong những hoàn cảnh khác nhau một cách linh hoạt.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam là một tấm gương lớn về sự tự học. Và vì vậy, toát lên từ Người, từ phong cách làm việc, phẩm chất đạo đức, giao tiếp...là tinh hoa văn hóa của nhân loại, văn hóa phương Đông và phương Tây. Người có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức rõ nỗi lầm than cực khổ của  công dân một nước nô lệ, Người đã lên đường sang phương Tây để tìm con đường cứu nước mới, trong quá trình đó đã tự học không biết bao nhiêu nghề, bao nhiêu thứ tiếng. Và người ta thấy sau này, chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo chí nước ngoài không cần thông dịch viên- đó là vì Người có vốn ngoại ngữ uyên bác- một năng lực tuyệt vời do tự học.

          Lã Mông, một dũng tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc dù hành quân cực khổ, vất vả đến thế nào cũng luôn mang theo sách vở bên mình, có điều kiện thời gian sẽ tự học, quyết không để người khác xem thường vì ông vốn xuất thân không được học hành đến nơi, đến chốn.

          Năm 1872- 1876, tại Nhật Bản xuất bản cuốn sách của tác giả FuKuZaWa- YuKiChi có tên: Khuyến học. Quyển sách đề cập nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề như: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn” hoặc “Không gì đáng sợ hơn sự ngu dốt”, sau khi quyển sách xuất bản, người Nhật đọc và đã có sự chuyển biến mạnh mẽ,nhanh chóng, họ thi đua học tập, cần cù hơn nữa. Trên nền tảng tinh thần tự lực, tự cường, người Nhật đã thay đổi vận mệnh dân tộc một cách ngoạn mục, trở thành một cường quốc trong thế  kỉ XX.

(Cuốn sách “Khuyến học” của FuKuZaWa- YuKiChi, Ảnh: Nguyễn Thị Tình)

          Nhân cách con người là sự hòa quyện của hai yếu tố phẩm chất và năng lực, đức tài, muốn bản thân hoàn thiện, muốn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta không thể là một cá thể “ tài hèn đức mọn” cũng không thể “ đức trọng tài hèn”. Tài đức quan trọng vô cùng mà mỗi người thông qua tự học có thể hoàn thiện dần dần hai giá trị này.

          Ngày nay, tự học thật dễ dàng, bạn có thể bật máy tính hoặc smart phone để tra cứu thông tin, có thể theo dõi các video hướng dẫn tỉ mỉ các kĩ năng làm việc... mà không phải mất thời gian theo học ở một không gian thực. Khi làm giàu cho phẩm chất và năng lực của bản thân tức là con người đã làm chủ được chính mình và đất nước.

          Tôi tin rằng con người chúng ta khi có nhân cách cao đẹp, hài hòa giữa tài và đức thì xã hội sẽ luôn tốt đẹp, người với người luôn ôn nhu, hòa ái với nhau.

                                                          Côn Đảo, ngày 30 tháng 9 năm 2019

          

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 38
  • Trong tuần: 277
  • Tất cả: 30423