Chào mừng đến với Website Trường Phổ thông Trung học Võ Thị Sáu - Côn Đảo

MẤY SUY NGHĨ VỀ PHÊ VÀ TỰ PHÊ

MẤY SUY NGHĨ VỀ PHÊ VÀ TỰ PHÊ

Nguyễn Thị Tình

Thực hiện chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về việc đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

I.Những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về phê và tự phê
       Trong các bài viết và các buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, thật thà, không  nể nang, không thêm bớt, phải vạch vẽ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng  thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng, nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, chán ghét.

Năm 1951, bài “Tự phê bình” (Báo nhân dân, 20/5/1951) người chỉ rõ: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ thì ai cũng cần tự phê cho tư tưởng và hành động đúng đắn”.

Tóm lại tư tưởng của Bác có thể tóm gọn 4 nội dung cốt lõi:
1. Phê và tự phê phải nhằm mục đích giúp nhau tiến bộ, động cơ trong sáng, phê bình, tự phê bình phải dân chủ, không áp đặt, mệnh lệnh.
2. Có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng.
3. Muốn phê, tư phê có hiệu quả thì phải có phương pháp tốt, sáng suốt, khôn khéo, phê bình phải có tổ chức, không ngồi lê mách lẻo, chuyện bé xé ra to, bạ đâu nói đấy.
4. Phải có thái độ tinh thần cầu thị, nói đúng ưu, khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, đúng hoàn cảnh.


II. Một vài suy nghĩ của bản thân về công tác phê bình - tự phê bình
              Phê bình, hiểu trọn vẹn là khen hoặc chê, khen cái hay, cái tốt, chê cái dở, cái chưa hoàn thiện.Ý nghĩa của tự phê bình, phê bình rất tốt đẹp, là sự tất yếu của mỗi con người, nhất là Đảng viên. Khi bước vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi Đảng viên đã tự nguyện tuyên thệ thực hiện: thường xuyên việc tự phê bình và phê bình.Tất nhiên việc phê và tự phê là một cuộc “lột xác” đau đớn nhưng đó là quá trình vận động để đi lên, không có một sự “trổ mầm”, “vươn dậy” nào mà con người không phải “lột xác”, vì vậy khi nhận được lời phê bình chân thành, chúng ta nên nhìn nhận, xem xét, coi đó là cơ hội để thay đổi tích cực, chớ vì tự ái bản thân, sợ ảnh hưởng đến uy tín, thể diện, địa vị mà khó chịu trước sự phê bình của người khác.
             Người phê bình người khác cũng phải trên tinh thần xây dựng thực sự dũng cảm để công tác phê bình triệt để, có hiệu quả. Không nên trách né để cho cái sai không có cơ hội khắc phục. Cần mạnh dạn có tiếng nói bởi vì: im lặng để tiến bộ cần thiết nhưng trước những sự việc cần lên tiếng, cần bênh vực mà không lên tiếng, không bảo vệ thì  chúng ta sẽ trở thành những người vô tâm, thiếu trách nhiệm. Chúng ta đang sống trong một thời điểm thật nhiều “bão tố” cua ngành Giáo Dục nên phê bình càng có ý nghĩa sâu sắc.

Cách phê bình để mang lại hiệu quả chiếm phần quan trọng không nhỏ. Theo cá nhân tôi: Khen không làm cho người ta ngủ quên trên chiến thắng, không khen quá lời, khen không đúng sự thật để lấy lòng, để xã giao. Chê làm sao để người bị chê không tuyệt vọng, không cảm thấy mất chỗ dựa, mất niềm tin, nhụt ý chí.

            Còn tự phê bình thì như thế nào? Đó là tự mình nhìn lại chính mình, biết điểm mạnh, điểm yếu, tự nhận thức được giá trị của bản thân, có năng lực gì, có phẩm chất nào, cần bồi dưỡng nâng cao thêm cái gì và bồi dưỡng như thế nào. Việc phê bình đã khó, việc tự phê bình lại càng khó hơn bởi không ai lại không tự ái,  không yêu bản thân mình. Vì vậy khó thừa nhận mình có khuyết điểm. Mỗi người chúng ta, nhất là Đảng viên cần thấy được tính lịch sử, cụ thể của các giá trị trong bản thân ta, chưa chắc hôm nay là đảng viên tốt thì ngày mai cũng là một đảng viên tốt, hãy luôn soi lại mình để tự hoàn thiện. Không ai không có khuyết điểm, lảng tránh và biện bạch cho khuyết điểm thật dại dột, thiếu suy nghĩ. Chỉ khi chúng ta chiến thắng được chính mình thì chúng ta mới có thể tiến lên phía trước.

            Làm con người, nhất là Đảng viên không nên sợ tự phê và phê bình. Nếu sợ tự phê, bản thân chúng ta đã từ chối cơ hội để tiến bộ, nếu sợ phê bình người khác, chúng ta chỉ là những kẻ thiếu chân thành và dũng cảm nửa vời.

                                                                        Tháng 4 năm 2018



 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 52
  • Trong tuần: 291
  • Tất cả: 30437